Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Ngày về

*******************************************************************************************************
Nguồn: Đăng trên Thế Giới Vô Hình.
Link: http://www.thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=206
Tác Giả: HaiPhong
Thông tin thêm về bài viết: Ngày Về là phần cuối trong bộ chuyện ngắn 3 tập gồm Trị Bệnh, Thần Quyền và Ngày Về. Không gian và nhân vật trong chuyện Trị Bệnh, Thần Quyền được tiếp tục nhắc đến trong chuyện Ngày Về. Thời gian khi bắt đầu ở chuyện Trị Bệnh và kết thúc ở chuyện Ngày Về là một khỏang dài gần 30 năm.
*******************************************************************************************************
Xóm cũ
Tôi ngơ ngác nhìn cảnh vật trước mặt. Năm ngoái, từ khi liên lạc được với thầy, tôi đã nghe thầy kể về những thay đổi của xóm tôi và con lộ trước xóm, thế mà bây giờ đứng trên con lộ này, tôi vẫn thấy ngỡ ngàng vì cảnh vật trước mặt. Tôi cố nén cảm giác nôn nóng muốn gặp thầy, lặng lẽ nhìn quanh.
Con lộ đã được mỡ rộng hơn trước, bờ đất sát mé sông năm xưa đã biến mất, thay vào đó là hành lang tráng xi măng có lan can với những chiếc ghế đá, người ta gọi đây là bờ kè. Hệ thống ống cống đang được sữa chửa, nên mặt lộ bị đào bới lởm chởm, nhiều chổ đọng nước mưa, sình lầy, tất cả tạo cho tôi cái cảm giác lòng đường chật hẹp hơn xưa.
Nơi này năm xưa anh Ngọc đã tử chiến với nhóm người của môn phái khác. Bên kia đường, hàng ba rào dây kẻm gai, nơi anh Khanh một mình vật lộn ịt đụi với hai người, đã được xây thành tường nhà sát mé lộ.
Anh Ngọc giờ không còn nữa. Anh Khanh đã nằm xuống nhiều năm rồi. Chín sửa mất cách đây khoảng hai năm. Trong số những người có mặt trong trận chiến năm xưa chỉ còn xót lại mình tôi, hôm nay trở về sau hơn hai mươi bốn năm biệt xứ, đứng trơ vơ nơi này.
Trong số những người vây anh Ngọc và anh Khanh năm xưa, chắc cũng có người đã năm xuống. Nếu ngày đó mọi người biết rằng cuộc sống này vốn vô thường, võ công cái thế, thần quyền vô địch cũng là không, và hơn hai mươi mươi bốn năm sau, chỉ còn một mình tôi đứng nơi này nhớ dĩ vãng, có lẽ không ai muốn đánh nhau. Và tôi, nếu năm xưa biết được cảnh hôm nay, thay vì tìm cách giúp anh Ngọc và anh Khanh, tôi sẽ đứng bên kia đường gọi lớn: ”Các anh ơi, tạm ngưng, đi uống cà-phê, xong hãy đánh tiếp”. Chắc các anh sẽ cười cho sự ngây ngô của tôi mà ngưng đánh nhau.
Tôi nhìn xuống dòng sông trong đêm, lờ mờ thấy nước lừ đừ chảy, lòng tràn ngập những cảm xúc khó tả. Kiếp chúng tôi cũng như con nước kia, trôi đi từng ngày. Những người năm xưa, có người đã vĩnh viễn nằm xuống, có người bỏ xóm đến tỉnh, thành khác sinh sống, có người, trong số sư huynh đệ của tôi, lưu lạc xứ người, đến nay vẫn chưa trở về. Trong vô vàng những cảm xúc không tên, bất chợt tự xâu thẳm trong tìm thức tôi bật lên câu ”Thưa thầy con đã về”.

Thầy tôi
-Thưa bác cháu mới về
-Thưa bác cháu mới về
Vợ chồng tôi cùng chào. Sư mẫu đang ngồi trên chiếc ghế dài, vui mừng bật dậy:
-Vợ chồng thằng Phong về tới rồi đó hả?
-Dạ, bác trai có nhà không bác?
-Ổng đang nằm nghĩ trên đi-văn kìa
Tôi bước nhanh về hướng thầy, ôm thầy trong tay mà lòng dạt dào cảm xúc. Thầy đã hơn bảy mươi rồi, không còn tráng kiện, nhanh nhẹn như xưa, nhưng trong cái dáng chậm rải của người lớn tuổi đó, với cặp chân mày dài, rậm, nay đã bạc trắng, toát lên vẽ tiên phong đạo cốt.
Thầy hỏi thăm chúng tôi về chuyến đi, cuộc sống trên xứ người. Chúng tôi ôn lại chuyện xưa. Nhắc tới anh Ngọc thầy ngậm ngùi:
-Lúc được tin nó tử nạn, tui ngồi buồn suốt mấy ngày, muốn khóc mà không ra nước mắt. Còn bây nữa, bây đi biệt tích, người trong xóm đồn rùm beng suốt mấy năm liền là bây bị Thái Lan quăng xuống biển rồi! Lúc đó lòng dạ tui rối nùi.
Ôi, tình thầy, nghĩa trò. Cái tình nghĩa khó tìm thấy trong thời buổi lòng con người hướng về vật chất này. Họa chăng chỉ còn xót lại trong những người huyền môn chân chính. Họa chăng chỉ còn tìm thấy ở những đạo phái, võ phái, nơi người thầy dạy dỗ, thương yêu học trò như con ruột của mình, và người học trò thương, kính thầy như cha. Thế mà đa số người đời lại coi người huyền môn chúng tôi là tà ma ngoại đạo, không tình cảm, chuyên làm bậy, hại người!
Đã hơn hai mươi bốn năm kể từ khi tôi rời quê hương, nhiều sư huynh đệ học thần quyền theo phong trào đã bỏ đạo, không còn theo học với thầy nữa. Số còn lại, có người biệt tăm, có người đã nằm xuống vĩnh viển. trong số người đã nằm xuống có anh Ngọc.
sau ngày đánh nhau vì chị Hường, cả xóm biết chuyện anh và chị Hường quen nhau. Kể cũng lạ, nếu trong xóm này có một người nào không ưa anh Ngọc, thì cái người duy nhất đó chính là ba của chị Hường. Ngày chị Hường bị đưa về quê nội, cũng là ngày anh Ngọc bước vào đoạn cuối của một đời người. Lúc đầu thất tình, anh nằm rên hì hì như người bệnh nặng. Sau anh bỏ nhà, bỏ việc đi lang thang vài tháng, rồi trở về nhà cắt hộ khẩu xin chân bảo vệ ở một nông trường xa xôi để tìm quên.
Sau này tôi nghiệm ra một điều, nhóm sư huynh đệ cùng thời với anh Ngọc, với tôi đều lận đận vì tình. Nhưng chúng tôi có đặc điểm chung là không dùng bùa chú trong tình yêu, dù đau đớn, khổ sở với những mất mát trong tình trường.
Năm sau gia đình anh Ngọc gọi anh về để tìm đường ra nước ngoài. Anh bỏ nông trường lang thang theo từng chuyến đi, vào tù ra khám vài lần. Anh tìm bạn gái mới. Quen rồi chia tay, không hiểu vì sao. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi.
Rồi chị Hường lại trở về xóm, làm việc ở một cơ quan, nghe đâu chuẩn bị lập gia đình. Anh ngọc trở về xóm giữa những chuyến vượt biển không thành. Tình trong gang tất mà không gần nhau được. Một ngày anh tìm đến Phật giáo, rồi như chợt ngộ ra điều gì, anh thay đổi hẳn, xin gia đình xuất gia. Người nhà ngỡ anh muốn xuất gia để quên mối tình đầu, khuyên anh nên tiếp tục tìm đường ra nước ngoài. Chuyến đi sắp đến, anh chợt trở nên trầm lặng, thần sắc u ám, rồi anh tử nạn trên đường đi.
Còn tôi, những năm tháng đó tôi đã làm gì?
Sau ngày anh Ngọc bỏ nhà đi hoang, rồi vào nông trường, việc luyện tập thần quyền của học trò, đệ tử của bác Lục cũng thưa dần.
Bác Lục sáng lái xe, chiều về trị bệnh ma, tà cho những người tìm đến bác. bệnh nhân đến từng người nhưng liên tục. Vừa trị xong người bị ma nữ quyến rũ trong giấc ngũ, thì người bị ma lai nhập được người nhà đưa đến nhờ bác trị. Thôi thì thiên hình, vạn trạng, đủ các loại ma, tà, thư, ếm.
Không còn được coi học trò bác Lục luyện thần quyền, ghiền quá không biết làm sao, cũng vừa đến tuổi mới lớn, muốn có chút nghề phòng thân, tôi nghĩ đến việc xin thụ giáo với bác Lục, nhưng không dám trực tiếp xin với bác. Không hiểu vì sao, ngày đó tôi rất sợ bác.
Nhằm lúc anh Ngọc từ nông trường về thăm gia đình, tôi nhờ anh xin với bác Lục cho tôi nhập môn. Anh ngồi hí hoáy viết hơn nữa giờ rồi bảo tôi:
-Anh viết thư này xin bác Lục cho mày nhập môn, hôm nào mày mang thư sang nhà bác Lục, anh phải về nông trường, không dẫn mày sang bác Lục, xin cho mày được.
Kể cũng lạ, từ nhà anh sang nhà bác Lục chỉ mất năm phút, thế mà anh dùng nửa giờ viết thư, vì ”sắp về nông trường, không dẫn mày sang bác Lục, xin cho mày được”!. Thôi thì có thư trong tay cũng đỡ sợ, ngày chủ nhật, thấy bác lục được nghĩ, đang ngồi trên bờ tường trước nhà, tôi vù về nhà mang bức thư đến trình bác Lục và hồi hộp đứng chờ. Bác đọc xong, nhìn tôi cười cười rồi nói:
-Ngày rằm tới mua năm thứ trái cây, một ốp trầu tới tui làm phép cho. Nhớ trong năm loại trái cây không được có trái khế. Lựa ốp trầu có lá trầu cái nhe!
Tôi dạ lớn rồi chạy về nhà, lòng mừng khắp khởi, chờ ngày nhập môn.

Nhập môn
Sáng ngày rằm, cũng nhằm chủ nhật, bác Lụt được nghĩ, tôi mang trái cây và trầu tới nhà bác.
Bác Lụt sắp trái cây lên bàn thờ phật và bàn thờ tổ, lựa trong ốp trầu một lá trầu cái, lá trầu có các gân lá đâu vào nhau từng cặp, dùng bút bi vẽ chữ bùa lên lá trầu, rồi đặt vào một chiếc đĩa nhỏ trên bàn thờ tổ. Xong bác thắp nhang, đưa tôi ba cây, bảo tôi hai tay cầm nhang chấp ngang tráng, đứng song song với bác trước bàn thờ đọc theo lời bác ”… không lừa thầy, phản bạn … không ỷ mạnh hiếp yếu … nguyện cứu nhân độ thế … nếu trái lời thề, xin lệnh trên tán con ra tro bụi”. Bác bảo tôi cởi áo, lấy dây Cà Tha trên bàn tổ xuống thắt ngang lưng tôi. Rồi bác lấy 3 cây nhang trong tay tôi, cắm 2 cây lên lên bàn thờ, còn một cây, chờ tôi ngồi chồm hổm trước bàn thờ, bác bảo tôi nắm chặt cây nhang trong tay trái, đưa thẳng ra trước, tay phải cũng nắm chặt đưa tới trước, song song với tay trái. Bác dặn:
-Lát nữa nghe tôi đọc lớn, thì bây đọc theo nhe. Cứ đọc theo đừng sợ đọc sai!
Mấy năm qua, tôi theo chân anh Ngọc xem bác điểm đạo cho bao nhiêu người, nên tôi rất rành những việc phải làm. Cho đến bây giờ tôi vẫn làm mọi việc đúng theo lời bác, dù trong bụng đang run.
Bác lục lấy lá trầu cái trên bàn thờ tổ xuống, hỏi tên, họ, tuổi tác tôi, rồi lâm râm đọc chú thổi vào lá trầu và một ly nước lạnh. Làm phép vào lá trầu và ly nước xong, bác bảo tôi hả miệng ra, đút lá trầu vào miệng tôi và bảo nhai nhuyển rồi nuốt. Trong lúc tôi nhai trầu, bác ra sau lưng tôi dùng nhang họa chữ bùa vào giửa lưng, hông trái, hông phải, vỗ vỗ vào vào đầu, hai vai. Bác lâm râm đọc chú rồi kê nhang vào tai trái, phải thổi mạnh. Xong bác cầm ly nước, cho tôi uống ba hớp. Chờ tôi nuốt nước và xác trầu xong, bác bắt đầu đọc lớn. Tôi nghe được mấy âm đầu và bắt đầu đọc theo.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chắc ăn trong bụng rằng, thần quyền sẽ về với tôi như đã về với bao nhiêu sư huynh khác, nhưng lạ chưa, tiếng đọc chú của tôi ấp a, ấp úng, đọc đi, đọc lại cũng chỉ mấy âm, không sao đọc tiếp được. Tôi biết lúc này bác Lục đang đứng sau lưng tôi, vừa đọc chú, vừa dùng tay phất ngược lên, mời thần quyền về nhập xác. Ở những sư huynh tôi, lúc này là lúc giọng bắt đầu đổi, chú phép đọc ra liên tục, vang vang, rồi như theo cái phất tay của bác, thần quyền sẽ chuyển xác đứng lên, đạp bộ, ra quyền. Còn tôi, tôi vẫn cứ ngồi trơ ra đó, miệng ấp a, ấp úng mấy âm tôi nghe được từ tiếng đọc của bác Lụt.
Bác lục đọc chú phép lớn hơn như để tôi nghe mà đọc theo, như để thúc dục thần quyền nhập xác… Bác đến bên hông tôi, miệng đọc lớn, tay phất ngược từ dưới lên … không lẽ ngồi đồng hoài, tôi đành theo tay bác từ từ đứng vậy, miệng vẫn ấp a, ấp úng … Bác Lục lấy cây nhang ra khỏi tay trái của tôi, để tôi dể ra quyền. Không cảm được chút chuyển biến nào trong cơ thể, tôi đành từ từ dạt hai tay ra, thì chợt thấy hai tay nẳng nặng, như có một lực nào đó đang từ từ kéo hai tay tôi bung ra ngang vai, rồi từ từ kéo hai tay khép vào nhau… nhưng hai tay chỉ làm động tác kéo ra, khép vào, chứ không đánh thành quyền. Tôi thử xoay người bước sang trái, thì thấy chân và thân vẫn bình thường, không có một trợ lực nào cả. Thua buồn tôi lên gân, cố ghìm đôi tay thật chặt trước ngực, thử xem có phải thần quyền đang chuyển đôi tay tôi không. Đúng là trợ lực từ đâu đến, vì dù gắng cách mấy, tôi vẫn không giử được đôi tay trước ngực. Đôi tay cứ tự nhiên kéo ra, khép vào.
Thêm vài phút trôi qua. Bác Lụt bổng cất tiếng:
-Thôi, nghĩ được rồi, rằm, ba mươi tới tui tắm cho.
Thần sắc bác vẫn bình thường. Lòng tôi thì hoang mang, không hiểu vì sao mình không đọc thần chú và đánh võ được, nhưng không dám hỏi bác Lụt.
Tôi ra về lòng buồn buồn, không biết vì sao thần quyền không về với mình. Chỉ có một điều tôi biết rất rõ, từ nay bác Lụt là thầy của tôi. Năm đó tôi mười sáu tuổi.

Sau ngày nhập môn tôi chăm chỉ ngày hai buổi sáng, tối nhìn mặt trời, mặt trăng luyện chữ bùa nhập môn. Một ngày ba mươi âm lịch, cũng nhằm chủ nhật, tôi đến xin thầy tắm phép cho mình. Những năm trước, ngày rằm, ba mươi thường có vài huynh, đệ đến tắm phép, bây giờ chỉ có mình tôi, phải cố gắng lắm, tôi mới đủ can đảm ngõ lời xin thầy.
Thầy tôi đốt nhang, đọc chú thồi vào ly nước lạnh, bảo tôi cởi áo thắt dây Cà Tha ngang lưng, ngồi chồm hổm trước bàn thờ, hai tay chấp trước ngực. Thầy nhúng một nhánh bông trang vào ly nước lạnh rồi vừa đi chung quanh, vừa đọc chú, vừa rải nước lên người tôi. Tôi bắt đầu đọc theo, âm thanh vẫn ấp úng, vấp váp. Tôi theo tay vẫy của thầy đứng lên, miệng đọc lấp vấp, hai tay bắt đầu vạt ra, kéo vào. Thầy đọc chú lớn hơn, âm thanh vút cao, vang vội. Thầy đưa tay gạt cánh tay trái tôi đang từ từ dạt ra như khiêu khích cho thần võ xuất chiêu. Nhưng hình như thần võ trong tôi không chịu xuất chiêu, đôi tay tôi vẫn tà tà dạt ra, khép vào. Tôi nghe thầy gằng giọng:
-Bộ mấy ông không biết gì hết sao? Bộ mấy ông chỉ biết nấu cơm cho Phật chứ không biết đánh võ hả?
Tôi hoảng hồn, nhưng hai tay cũng chỉ tiếp tục tà tà dạt ra, khép vào.
Thêm vài phút dài như hàng thế kỹ trôi qua, thầy cất tiếng:
-Thôi nghĩ, hôm nào làm tiếp.
Tôi ra về lòng buồn vời vợi, cố chờ đến ngày rằm, ba mươi để xin thầy tắm phép.
Cũng trong thời gian này gia đình tôi bán nhà, dọn về nhà dì tôi tạm trú. Mỗi ngày rằm, ba mươi tôi đều lội bộ, qua đò, rồi lại lội bộ sang nhà thầy xin tắm phép. Nhưng khoảng thời gian đó thầy liên tục trị bệnh, nên tôi không dám mỡ lời xin thầy. Một hôm, sau khi xem thầy trị bệnh, trên đường về, từ đâu đó trong tìm thức tôi bổng vang lên ba chử ”chưa đủ duyên”, tôi chợt hiểu chưa đến lúc mình học được huyền thuật, mặc dù lúc đó tôi không hiểu nhiều về Phật giáo, càng không hiểu rõ chữ duyên trong phật giáo mang ý nghĩa gì!
Rồi gia đình tôi mướn được căn nhà trong xóm và dọn về xóm cũ. Lẽ ra đây là cơ hội để tôi tiếp tục thọ giáo với thầy, nhưng với ba chữ ”chưa đủ duyên” trong đầu, tôi cứ để thời gian lặng lẽ trôi đi.
Qua năm sau, đang học lớp mười một, trước tết ta, tôi bước vào cuộc vượt biển đầu tiên. Chuyến đi không thành, tôi vào khám ngồi bảy ngày thì được trả tự do vì dưới tuổi vị thành niên.
Trở về, ăn tết xong, tôi bỏ học và từ đó lang thang khắp các tỉnh miền tây. Khoản thời gian này gia đình tôi cũng bỏ xóm dọn nhà đi hết nơi này đến nơi khác.
Trên bước đường lang thang tôi có duyên gặp người của môn phái khác, cùng chi nhánh với phái tôi, có nhã ý nhận tôi nhập môn. Tôi vẫn tâm niệm chỉ bái một người làm thầy, nên đã chối từ gia nhập vào phái khác.
Gần hai năm trôi qua, thêm vài lần vượt biển không thành, tôi bắt đầu chán nãn định bỏ cuộc, thì một ngày tháng ba, tôi theo tàu ra khơi, rồi trôi nỗi đến một quốc gia bé nhỏ, lạnh giá thuộc khối bắc âu. Việt Nam lúc bấy giờ như căn nhà tôi bỏ lại sau lưng với cánh cửa nặng nề khép kín. Tôi hốt hoảng chợt nhớ ra rằng, tôi ra đi, không mang theo địa chỉ của thầy.
Và cứ thế thời gian lặng lẽ trôi, cho đến hơn hai mươi ba năm, sau nhiều năm tìm kiếm, tôi tìm được địa chỉ của thầy.
Thật ra từ những năm chín mươi, việc về thăm quê hương đã khá dễ dàng, nhưng số tôi lận đận, hai nẽo đường tình, đời đều lao đao, nên chưa thể về tìm thầy được. Mỗi lần nghĩ đến thầy, tôi thầm nhũ ”mai mốt sẽ về”, không ngờ cái ngày ”mai mốt” đó kéo dài thêm mười mấy năm.
Cuối cùng tôi đã về với thầy để được điểm đạo một lần nữa.

Điểm đạo
Phòng khách trên lầu hơi nhỏ. Bàn thờ phật, tổ được đặt sát vách đối viện cửa ra hành lang phía trước. Vách đối viện có hàng tủ đựng sách vỡ và các đố vật lặt vặt. Bên phải để một bộ bàn ghế kê sát tường, ngoài ra còn có một bàn tròn thấp, là nơi thầy ngồi tiếp khách, vẽ phù chú.
Bên trái đặt một chiếc giường lớn. Chiếc giường này vừa là giường ngũ của các cháu thầy, vừa là chỗ ngồi của khách đến xin bùa, chú, vừa là giường để chữa bệnh ma, tà. Tất cả những đồ vật này chiếm gần trọn phòng khách, phòng chỉ còn lại một khoảng không gian trống chưa đầy bốn thước vuông ở giữa.
Năm xưa thầy trị bệnh, điểm đạo, luyện quyền cho học trò, đệ tử trên mặt một trảng xê lớn, đúc bằng xi măng ở phòng khách tầng trệt. Cái trảng xê đó thầy đã cho phá bỏ hơn mười năm rồi, lúc thầy sữa lại căn nhà.
Thầy bảo chúng tôi thắp nhang, chí tâm vái phật, tổ, cầm nhang lên bàn thờ, rồi ngồi trên giường chờ. Hôm nay có hai cháu gái của thầy ngồi trên giường xem lễ điểm đạo.
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ thầy bảo:
-Vợ thằng Phong tới đây
Vợ tôi tới trước bàn thờ đứng chờ. Thầy lấy dây cà tha từ trên bàn tổ xuống thắt vào lưng vợ tôi, rồi bảo vợ tôi ngồi xuống, chú tâm tưởng phật, hai tay chấp trước ngực, ghìm chặt, không được tựa tay vào nơi nào trên thân người.
Tôi chợt nhận ra sợi cà tha thầy đang dùng không phải là sợi cà tha ngày tôi nhập môn. Ngày đó thầy dùng sợi cà tha mắt chì dài và nặng. Sợi cà tha bây giờ ngắn, nhẹ, các mắc trông giống như được làm bằng võ cây.
Thầy đưa lá trầu bảo vợ tôi nhai kỹ rồi nuốt và ra sau lưng vợ tôi dùng nhang họa bùa như năm nào. Nói chung đa số các thao tác đều giống như trước đây, chỉ có một số thay đồi nhỏ. Sau khi đưa nước phép cho vợ tôi uống ba hớp, thầy bảo vợ tôi xòe hai tay ra, thầy đổ nước vào lòng bàn tay, rồi bảo chà hai bàn tay vào nhau, xong vuốt từ mặt ngược lên đầu xuống tới ót 3 lần, sau đó chấp tay trước ngực như trước. Thầy cắm nhang và để ly lên bàn tổ, đến phía bên hông trái vợ tôi, chân chóng, chân quì, bảo vợ tôi đọc theo, rồi thầy bắt đầu đọc chú, cùng lúc hai tay thầy, một tay để phía trước mặt, một tay sau lưng vợ tôi vuốt ngược lên.
Tôi ngồi bán già trên giường tập trung tin thần nhìn. Bất chợt cả người tôi rờn rợn khi nghe tiếng đọc chú của thầy. Đạo tràng của thầy, tiếng đọc chú của thầy toát ra một linh lực, tôi cảm được linh lực đó nên thấy trong người rờn rợn khó tả.
Vợ tôi bắt đầu đọc theo, tiếng đọc nhỏ, rù rì. Thầy bảo vợ tôi đọc lớn lên, rồi thầy đọc chú lớn hơn trước, thỉnh thoảng dừng lại lằng nghe, rồi lại bảo vợ tôi đọc lớn lên. Mặt vợ tôi bắt đầu ửng đỏ, âm thanh đã lớn hơn trước nhưng chưa rõ. Tôi tiếp lời thầy nói với vợ:
-Em gắng đọc lớn lên!
Tiếng đọc chú của vợ tôi lớn hơn trước chút nữa. Hình như vợ tôi đã cố gắng hết mức rồi. Thầy dừng đọc lắng nghe, rồi chợt nói:
-Đứng dậy!
Vợ tôi vụt đứng lên.
Thầy nói tiếp:
bước tới, đánh rồi giựt chỏ ra sau.
Vợ tôi làm theo.
Khi vợ tôi rút tay về, biến thành chỏ giựt ra phía sau, thì chân trái ở trước cũng rút về. Từ lúc này hai chân vợ tôi cứ đưa lên, dậm xuống đều đều như người đang tập diển hành, tay thì đánh tới trước, rút về như người mới học võ đang tập thế đấm thẳng.
Một trong hai người cháu gái của thầy đang ngồi trên giường bổng cười mĩm mĩm, rồi quay mặt cố ghìm, không cho tiếng cười bật ra. Người cháu gái còn lại nói nhỏ:
-Đang làm phép, cười như vậy không nên đâu.
Nhìn các thế đánh của vợ tôi, thấy nụ cười và nghe câu nói của cháu, tôi cũng muốn bật cười, nhưng cố nhịn. Cái cảm giác rờn rợn trong người tự nhiên biến mất.
Thầy đứng bên mĩm cười thúc giục:
-Mấy cô về độ cho phần xác của nó! Đánh chậm như vậy làm sao làm lại người ta!
Vợ tôi vẫn cứ chân dậm đều tay phải đánh tới, tay trái gựt về, tay trái đánh tới, tay phải giựt về. Thỉnh thoảng bước tới, hoặc rút lui một bước, rồi lạ trở về những động tác cũ. Trông ngộ nghĩnh, tức cười.
Thầy bảo vợ tôi dừng, sang giường ngồi nghĩ, rồi đến bàn thờ tổ chuần bị, để điểm đạo cho tôi.
Thầy gọi tôi tới, thắt dây cà tha, rồi bảo tôi ngồi xuống. Tôi ngồi xuống, nhắm mắt định tâm tưởng phật.
Trong lúc tôi nhai trầu, thầy vẽ chữ bùa sau lưng, hai tay tôi đang chấp trước ngực, ghìm chặt, bỗng rung lên bần bật. Tôi lên gân cố giữ yên đôi tay. Kỳ lạ thay, càng cố giữ, tay càng run mạnh hơn. Cuối cùng tôi tập trung tinh thần mặc cho đôi tay run rẫy. Khi thầy đỗ nước vào tay tôi, vuốt nước lên đầu xong, chấp lại trước ngực, đôi tay lại tiếp tục run.
Khác với vợ tôi, khi thầy mang ly nước và nhang đến bàn tổ, thầy bảo:
-Đọc câu chú hội tổ thứ nhất liên tục coi.
Tôi đọc lớn. Một lần… hai lần… ba lần… rồi một tràng âm thanh lạ bật ra… tôi đã đọc được thần chú! Tôi đang nghe tiếng chú tuôn ra, vang vang từ miệng lên tai, bất chợt tai như không còn nghe trực tiếp tiếng từ miệng đưa lên nữa. Tôi nghe tiếng chú mình đọc văng vẵng từ ngoài đưa đến tai, như tiếng của một người khác đang đứng ở góc phòng đọc những câu chú đó. Rồi tôi nghe văng vẵng bên tai tiếng chú của thầy, tôi cố đọc theo âm chú của thầy nhưng không được, từng tràng thần chú tuôn ra từ miệng tôi theo một âm điệu riêng biệt.
Cả người tôi bổng dợm dợm muốn đứng lên, nhưng tôi cố định thân chờ lịnh thầy. Tôi biết lúc này thầy đang chân chóng chân quì bên hông trái của tôi, tay trước mặt, tay sau lưng tôi, vừa đọc chú vừa vuốt lên.
Rồi tôi nghe tiếng thấy bảo:
-Đứng lên, bước tới đánh!
Tôi vụt đứng lên, chân bước tới, tay đánh ra, nhanh đến độ tôi không kịp nhận ra đòn thế của mình. Khi tôi phát giác ra, thì thân đã quay ra sau, lưng hướng về bàn phật, cặp mắt mỡ to, trợn trừng. Văng vẳng bên tay tôi là tiếng đọc chú của chính mình.
Tôi chợt cảm nhận rõ ràng một luồng khí không nóng, không lạnh từ đan điền xông lên. Luồng khí xông lên đến đâu, cảm giác như tức giận đến cực độ, như nỗi uất ức bị đè nén lâu ngày nay được phát tiết, lan ra đến đó, cùng lúc tôi thấy sứch mạnh từ đâu dồn ra mọi bộ phận trên cơ thể.
Khi luồng uất khí lên đến cổ, tôi nghe tiếng chú của mình từ xa vang đến lớn hơn, pha giửa những câu chú là tiếng hét sắc, mạnh… tay chân tôi bung ra.
Khi luồng uất khí xông lên đến cổ theo tiếng chú thoát ra ngoài, thì từ đan điền một luồng uất khí mới lại bùng lên. Cảm giác tức giận, uất ức xông lên mạnh hơn, và sức lực tăng lên nhiều hơn, tiếng chú của tôi vẳng đến bên tai lớn hơn, nhưng vẫn thấy như chưa hả giận, như chưa đủ mạnh. Cứ thế từng luồng uất khí thay nhau trào lên, hết luồng này đến luống khác. Đầu óc vẫn tỉnh táo, nhưng quyền cước ra nhanh quá, tôi không kịp nhận biết mình đã ra quyền như thế nào… Thần quyền đã nhập thể!
Tôi chợt nhận ra mình đang bung chân đá xéo về phía trái, ngay thầy tôi. Vừa khởi lên ý phải dừng lại, thì thầy tôi, vẫn với dáng chậm rãi của người lớn tuổi, thân hốt nhiên phiêu linh, tà tà xoay ngang lướt vào khỏang không chật hẹp giữa hai chiếc ghế đặt sát tường, đầu thầy hơi cuối xuống, miệng thoáng mĩm cười. Khi ý dừng cú đá đã khởi rõ trong đầu tôi, thì bàn chân cũng dừng lại, vừa vặn cách người thầy khoảng một gang tay. Người tôi lại quay về hướng khác, uất khí trào lên, tiếng đọc chú vang đến lanh lảnh, sàn nhà rung rinh, vang lên những tiềng rầm rầm mỗi khi tôi đạp bộ, chuyển tấn…
Tôi chợt thấy mình vọt người lên đá, rồi từ trên cao, khi hạ xuống, thân đã xoay qua phải, gối phải từ trên cao thúc thẳng xuống sàng nhà… rầm, sàng nhà rung rinh, mông tôi tựa luôn lên gót chân phải, chân trái hơi co, đặt dài tới trước. Rồi tay phải của tôi giơ lên khỏi đầu lòng bàn tay mỡ ra thành chưởng vỗ mạnh xuống sàng nhà vẫn còn đang run… Chát, sàng nhà đang rung, bị thêm một chưởng rung mạnh hơn.
Tôi nhớ mình đã vụt đứng lên, hai tay mỡ ra, lòng bàn tay úp xuống kéo vào ngực. Bất chợt tôi thấy thầy đang khom người lượm các đồ vật đang từ trên tủ thay nhau rớt xuống. Tôi biết mình phải dừng lại. Ý khởi, thân dừng, hai tay đang kéo về thì dừng lại ở ngực, run run….

Đúng lúc này phía cầu thang có tiếng chân người chạy lên, rồi tiếng sư mẫu cất lên:
-Ông cho tụi nó tập vừa vừa thôi, Lối xóm nghe tiếng dậm, la, tưởng trong nhà đánh lộn đang bu nghẹt trước cửa kìa. Hay là ông cho tụi nó nghĩ đi, chắc thằng Phong tập nãy giờ mệt rồi.
Thấy tôi đã đứng yên, sư mẫu nhìn quanh rồi gật gù:
-Vợ chồng cùng học, đồng vợ, đồng chồng như vậy tốt.
Sư mẫu xuống nhà. Tôi rề qua giường, ngồi xuống hít sâu dài hơi để điều hòa hơi thở. Thấy tay phải hơi rát, tôi lật ngữa hai tay, chưa kịp nhìn, thì nghe tiếng vợ tôi la lên thảng thốt:
-Chết rồi, sao tay anh bầm hết vậy?
Tôi nhìn xuống tay, hết hồn nhưng vẫn cố giữ bình tỉnh. Lòng bàn tay phải, từ phía gần cổ tay dài lên đến ngón trỏ, một vệt máu bầm xanh chạy dài, rộng khoảng hai cm, xưng vù. Ngón tay trỏ xưng lên đến lưng ngón tay. Tôi thử co ngón tay lại, nhưng đau rát, không co lại được.
Thầy tôi nhìn sang điềm đạm nói:
-Không sao đâu, chút hết hà. Khi mấy ông thần rút ra khòi người, mấy ổng sẽ rút luôn mấy vết bầm trên người khi tập.
Vợ tôi vẫn chưa hết lo lắng:
Hay là sức chút dầu cho ảnh?
Thầy tôi cười cười nói:
-cũng được, đứa nào lấy chai dầu cho vợ thằng Phong coi.
Vợ tôi lấy dầu sức lên tay tôi. Tôi không thấy lo nữa, chỉ nghĩ vết máu bầm này phải mất cả tuần mới tan. Thế mà kỳ lạ thay, hai giờ sau bàn tay đã hết xưng, ngón trỏ đã cử động được. Đến tối thì vết máu bầm trong lòng bàn tay chỉ còn lại lờ mờ. Sang hôm sau như đã hết hẳn.

Đạo học
Thầy đến ngồi bên chiếc ghế sát tường. Vợ chồng tôi cũng đến ngồi trên ghế thấp quanh bàn tròn.
Thầy trầm tư nói:
-Mấy ông Chà nóng tánh lắm, khi về đánh đấm mạnh bạo, la hét dữ dội, lối xóm nghe, bu tới, sợ có chuyện. Làm cái này mà hơi lo ra, không tập trung được hết tinh thần, định lực không mạnh hết mức, phép sẽ không được nhạy.
Rồi thầy nhìn chúng tôi nói tiếp:
-Thôi, coi như bây là út rồi, từ nay khóa sổ, tui không nhận học trò nữa. Đúng với câu giàu út ăn, khó út chịu. Nhưng bây không đến nỗi khó đâu!. Bắt đầu từ ngày mai tui đưa sách phép cho vợ chồng bây chép, được bao nhiêu mang về luyện bấy nhiêu. Tui đã chuẩn bị cho bây hai tượng phật, để bây mang về bển thờ. Tượng phật Thích Ca bằng đá, tôi đặt người ta làm. Còn tượng Quan âm bây gắng giử cho kỹ. Đây là cỗ vật tui đào được và thờ lâu rồi, tích tụ rất nhiều linh khí.
Thầy dừng một lúc rồi nói tiếp:
-Chừng bây gần đi tôi làm phép thêm sức vô mình hai đứa một lần nữa. Tôi đã chuẩn bị sẵn hai khăn ấn, hôm đó sẽ cúng rồi cấp cho bây luôn. Tôi sên hai sợi dây phép rồi, bây giờ cho hai đứa. Phần thằng Phong thì tôi sên dây vừa cà tha, vừa là dây phép với tượng phật sáu mặt. Gắng giữ cho kỹ, tượng phật này cũng là cỗ vật. Còn vợ thằng Phong tôi cho dây phép, mặt chỉ là vật trang sức thường, nhưng cũng đã sên phép vào. Vợ thằng Phong đeo có thấy ngại không?
Rồi thầy lấy các vật phép xuống cho chúng tôi xem. Ôi, tình thầy đối học trò, bao la như tình cha đối với con. Vợ tôi nhận dây mừng rưng rưng:
-Dạ không ngại, đồ bác cho tụi con quí lắm.
Thầy dặn tiếp:
-Đeo dây này trên người tránh chung qua sào quần. Như túng cùng không tránh được thì xòe bàn tay ra che trên đầu. Nếu thấy đeo vô, cởi ra mỗi ngày bất tiện, thì chờ về bên đó để trên bàn thờ tổ, chừng có công chuyện gì quan trọng, hay phải đi đâu xa thì mang vào.
Thằng Phong phải làm cái này… cái này mang về bển lập bàn thờ tổ. Có bàn thờ tổ rồi rằm, ba mươi nhớ cúng trái cây với nỗ.

Thầy dặn dò thêm vài điều rồi bảo chúng tôi:
-Bây xuống dưới nhà chơi, ăn trái cây đi, tôi dọn dẹp rồi xuống liền.

Chúng tôi xuống đến phòng khách thì nghe sư mẫu và các cháu thầy nói lao xao là cô cháu gái, lúc nãy cười khi thấy vợ tôi đi quyền, giờ lại muốn học thần quyền, vì cô thấy tôi đi quyền, khoái quá!
Tôi hỏi cô:
-Con muốn học hả?
Cô cười cười nói:
Dạ, nhưng hình như học rồi phải kiên cữ gì đó!
Tôi nói:
-Chỉ cữ ăn thịt trâu, chó với khế thôi. Cũng dể cữ mà! Con mà học với ông ngoại là số một rồi. Thời buổi này khó tìm được những người như ông ngoại lắm. Con thấy đó, cô chú từ xa ngàn dậm, cũng tìm về đây học với ông ngoại.
Thầy tôi cũng vừa xuống tới. Cô cháu đến sau lưng hỏi:
-Học cái này lỡ ăn bậy có sau không ông ngoại?
Thầy tôi cười khà khà trêu cô:
-Mầy ăn bậy là mầy khùng liền.
Cô gái nhăn mặt, lắc đầu bỏ đi một nước.

Những ngày kế tiếp tôi ngồi chép phù chú nhánh Chà, vợ tôi ngồi chép phù chú nhánh Xiêm. Thầy ngồi cạnh nhắc nhỡ:
-Gắng chép cho đúng, chép sai thành tam sao thất bổn.
Chép xong một phép, nhìn xem đúng sai rồi thầy giảng cách luyện, cách dùng và kể các câu chuyện liên quan đến phép.
Tôi chép phép Chà hơi khó, nên tốc độ chậm chạp, thầy cười:
-Tui coi bộ sau này vợ bây sẽ giỏi hơn bây đó.
Tôi cũng cười:
-Dạ, cháu cũng độ chừng như vậy. Vợ cháu có niềm tin vững chắc hơn cháu.
Thầy dạy chúng tôi cẩn thận, vui vẽ. Thỉnh thoảng tôi nói:
-Hay là bác đừng dạy phép này cho vợ cháu. Nó học xong cột cháu lại, khổ cho cháu!
Những lúc chợt nhớ đến những điều thắc mắc về linh giới, tôi hỏi và được thầy giảng giải tận tình. Bao nhiêu năm xa thầy, phải tìm tòi suy gẫm mất nhiều thời gian vẫn không hiểu thấu, nay đã được thầy giảng giải rõ ràng. Thế mới biết ”không thầy đố mầy làm nên”.

Giảng về thần quyền, thầy dặn dò chúng tôi:
-Phải biết nhịn. Phải nhịn ít nhất ba lần, nếu người ta vẫn bức hiếp mình, mới được ra tay.

Tôi trình kiến giải của tôi về thần quyền với thầy:
-Cháu nghĩ, thần quyền chỉ là bước đầu nhập đạo. Thần quyền dùng để tự vệ, giữ phần xác. Thần quyền tạo sự thông linh giữa người học và linh giới, đễ người học dễ luyện và dùng bùa chú, hay tu hành sau này.

Thầy gật gù:
-Các phép bây học chỉ là cấp thần. Dù bây luyện giỏi đến đâu cũng chỉ là cấp thần. Khi chết người có đức sẽ được chư thần độ vào cỏi thần. Người thiếu đức, khi chết chư thần bỏ đi, thì cũng chịu số phận như người thường. Dù bây giỏi đến đâu cũng không thoát khỏi sanh tử. Bổn môn có ba mươi sáu pháp môn tu hành từ thấp lên cao. Tu phước để kiếp sau được đầu thai làm người giàu sang sung sướng. Cao hơn một chút là được làm vua, chúa có quyền hành, sống trong cung vàng, điện ngọc. Có pháp tu để về cỏi chư tiên…

Tôi thưa:
-Cháu thấy dù làm người giàu, hay vua, chúa cũng vẫn còn lo lắng, chịu sanh, lão, bệnh, tử. Cháu muốn thoát khỏi luân hồi.
-Như vậy phải tu những pháp cao hơn. Thiền định của phái mình cũng từ trong phật giáo ra. Còn có pháp tu bắt ấn, niệm chú của mật tông nữa. Muốn tu thiền thì về bển bây làm như vầy… như vầy…

Rồi thầy nói tiếp:
-Luyện phép hay tu hành, nếu trường trai giữ giới được thì phép rất linh, tu hành mau tiến. Ví như bây còn trẻ, chưa có gia đình, có tâm đạo như vậy thì nên ăn chay giữ giới, hay xuất gia. Giờ có gia đình rồi không nên làm vậy. Phải giử công ăn, viêc làm vững chắc, lo cho gia đình đàng hoàng. Gắng mà luyện phép, khá rồi thì giúp đời. Lớn tuổi nữa thì lo tu hành. Đời, đạo phải song toàn!
Rồi thầy nghiêm trang hỏi:
-Bây về bển có định nhận học trò không?

Tôi thưa:
-Dạ, cháu muốn truyền pháp của phái mình ra nước ngoài. Thời buổi ngày càng hổn độn, người bản xứ thiếu chỗ dựa tâm linh, những năm gần đây ảnh hưởng phim ảnh bạo động, tuổi trẻ ngày càng phức tạp, đánh, chém lẫn nhau, không còn hiền lành như mấy mươi năm trước. Bên bển có công giáo, cũng có phật giáo, nhưng người bản xứ không theo. Muốn cho họ hướng về đạo, phải có cái gì cho họ tin chắc, nên cháu có ý muốn truyền thần quyền của phái mình ra ngoài.
Thầy lắng nghe rồi chợt nói:
-Như vậy tui cấp lịnh cho bây nhận học trò. Ngày mai bây chép thêm hai chữ bùa nữa, rồi tui chỉ cho cách xài. Lệnh tui đã cấp, thì bây về bển làm sẽ được. Nhưng đạo lực bây còn yếu lắm, phải gắng luyện thêm. Tỉ như đạo lực chưa đủ mạnh mà phải làm phép, thì phải nói rõ với học trò, rồi dặn nó phải làm vầy… làm vầy…
Thì ra nãy giờ thầy vừa nghe tôi trình bày, vừa định tâm chú nguyện, để cấp sắc lệnh cho tôi!
Rồi thầy dặn thêm:
-Khi nhận học trò, biểu nó tự tâm, tự ý lập thệ với tổ. Đừng bắt nó thề nhiều, sợ nó giữ không được tổ phạt thì khổ, tội nghiệp cho nó. Bây phải nhớ, lời thề trước bàn tổ không phải chơi đâu, không giử đúng, thề sao sẽ ứng như vậy. Thí vụ như thề phản thầy bị xe đụng, thì y như rằng, khi phản thầy không sớm thì muộn cũng bị xe đụng. Nhớ bảo học trò tự tâm nó, lập một thệ cũng được rồi.

Tôi hỏi thầy:
-Như tụi cháu nay đã lớn tuổi, sức lực không có, luyện thần quyền mau mệt, có phép nào luyện để tăng sức không bác?
Thầy trả lời:
-Có chứ. Câu chú này bây ngồi luyện như vầy… hít thở như vầy, đủ số lần thì ngưng. Còn phép này khi luyện phải chuẩn bị các vật như vầy… như vầy… khi luyện phải làm động tác như vầy… đọc chú như vầy… rồi hít thở như vầy…
Khí công của thần quyền! Cả khí công động lẫn khí công tịnh! Điều mà gần đây tôi mơ hồ suy luận rằng phải có trong môn thần quyền, quả có thật trên đời, và đang được thầy tôi mang ra giảng giải!

Giảng về các cỏi giới thầy dặn:
-Những chuyện này tui nói cho bây nghe để biết đường lối tu hành, không nên kể lại cho người khác nghe.
Tôi hỏi:
-Có phải nói ra sẽ lộ thiên cơ không bác? Lỡ làm lộ thiên cơ có sao không?
Thầy cười:
-Lộ thiên cơ tất nhiên không tốt rồi. Nhưng bây nói ra chắc gì có người tin. Người ta sẽ cho là mình nói điên, nói khùng. Có người không tinh, còn quay lại nhạo báng trời, phật, tiên, thánh mang nghiệp vào thân, nhận lấy quả xấu, tội nghiệp cho họ thôi!
Thầy nói tiếp:
-Học thuật vô vi rất là mầu nhiệm, bây gắng luyện đi rồi sẽ thấy. Trời, phật cho ai pháp huệ gì, người đó tự biết, không nên nói ra.

Tôi thấy cách vài hôm là có người đến tìm thầy xin phép, trị bệnh. Có hôm một người, có hôm vài ba người. Tính ra trung bình, mỗi ngày có một người đến nhờ thầy.
Sư mẫu tâm sự:
-Tui thấy người ta tới kiếm ổng hoài cũng ớn, sợ bị làm khó dễ, không muốn cho ổng làm nữa.
Thầy thì trầm tư:
-Tui lớn tuổi rồi, muốn tịnh tâm tu hành, nhưng kẹt quá, toàn là người quen cũ. Rồi người quen giới thiệu người mới đến, không từ chối được. Lúc này tôi cũng giảm nhiều rồi. Mấy người bệnh ma, tà, thư, ếm, đến, tui nhắm chừng rồi giới thiệu đến mấy thầy khác trị. Trừ khi ngặt nghèo lắm tôi mới làm thôi. Đôi khi gặp người nghèo quá, không có tiền đi thầy khác tui cũng làm giúp.

Rồi thầy dặn:
-Thầy tổ không cấm hưởng lộc. Bây về bển muốn làm ăn tiền cũng được, nhưng lấy vừa phải thôi. Còn như chỉ giúp người làm phước như tui cũng được. Tùy bây phát nguyện. Nhưng nhớ mỗi lần làm, phải tùy theo phép mà cúng kiến, không cúng mình bị phạt đó.
Nếu bây phát nguyện làm phước như tôi, thì chỉ được hưởng hoa hỏa, đồ người ta mang đến cúng thôi. Như người ta tự nguyện cúng tổ chút tiền, bây cũng được hưởng. Nhưng tuyệt đối không được than khổ để người ta biếu xén, cho tiền.

Thời buổi lạ lùng, những người đến tìm thầy đa số là người nghèo bị người giàu giật nợ!
Với những người mới được giới thiệu đến, chưa rõ ”luật” thầy nói rõ trước khi cấp phép:
-Chư thần đi đòi nợ, có tiền trả chư thần mới đòi, không có tiền thì chư thần không làm gì người thiếu nợ đâu. Thí dụ người giật nợ anh thiệt có tiền mà không muốn trả, thì chư thần mới phạt nó, khiến nó nhớ mà trả nợ cho anh. Bằng như nó cũng nghèo như anh, thì chư thần không hành phạt nó đâu, số tiền đó anh không đòi được!

Với người xin phép bán nhà, đất, thầy dặn:
-Kêu theo thời giá thôi nhe. Bằng như muốn kêu cao, thì chỉ được cao hơn giá thị trường năm, mười triệu thôi. Chư thần giúp cô tìm người mua, chớ không giúp cô bán hơn thời giá năm, bảy chục triệu đâu!

Nghe thầy nói chuyện với khách, tôi chợt hiểu thêm một số ”luật lệ” trong linh giới. Hình như người đời có thành kiến với người huyền môn chúng tôi, vì họ không rõ những ”luật lệ” này.
Thỉnh thoảng thầy cũng nói:

-Mình làm thiệt tình, nhưng đôi khi bị mang tiếng chung vì những người làm phép giả dối. Con sâu làm sầu nồi canh.

Rồi thầy dặn:
-Bây giử vững niềm tin, cứ đường thẳng trước mặt mà đi tới. Cứ tin chắc là như vậy, làm phép gì cũng thấy hiệu nghiệm ngay trước mắt. Cứ tin trời, phật, trời, phật sẽ chứng.

Từ giả
Mười hai ngày bên thấy rồi cũng qua mau. Ngày cuối trời mưa bảo, thầy đi dự đám dỗ dưới quê, định về sớm nhưng kẹt đến hơn mười hai giờ trưa mới về đến nhà.
Ở nhà đã có sáu, bảy người chờ thầy. Đây là dịp tôi được nhìn thầy trị bệnh tà và giải phép ếm. Đạo thuật của thầy giờ rất cao thâm. Thầy làm phép nhanh lẹ, đơn giản. Thầy dạy người bệnh về nhà niệm danh hiệu Phật, Quan Thế Âm. Nhìn thầy làm phép, tôi chợt tiếc cho tôi đã mầt hơn hai mươi bốn không được ở cạnh thầy.
Lúc từ giả thầy nói:
-Phép bây chép được hơi ít, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho bây luyện khoảng hai năm mới khá. Bây coi sắp xếp về sớm, tui truyền thêm cho. Tui già rồi, không còn bao lâu nữa, mai này nằm xuống không mang theo được.

Rồi thầy nhắc nhỡ:
-Bây cứ vững niềm tin, nhắm thẳng đường đạo mà tiến tới.

Tôi bùi ngùi, muốn thôi, không đi nữa. Muốn dùng mười mấy ngày còn lại tiếp tục ở bên cạnh thầy. Kẹt là thân nhân, bè bạn đang chờ tôi ở những tỉnh, thành khác. Và kẹt nhất là tôi phải theo vợ về quê vợ. Cái gì cũng có thể bỏ được, nhưng việc về quê vợ thì chắc không bỏ được rồi!
Lúc tôi lên xe trời đổ mưa lâm râm. Hình như cơn bảo vừa đi qua thành phố này. Tôi buồn buồn tự nhắc với mình ”Dù sao việc về thăm thầy giờ đã dễ dàng, đâu phải chờ đến hai mươi bốn năm nữa”.
Tự dưng trong tận cùng sâu thẳm của tìm thức tôi bật lên câu ”Thưa thầy con sẽ trở về”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét