*******************************************************************************************************
Nguồn: Đăng trên Thế Giới Vô Hình.
Link: http://www.thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=21139&page=5
Tác Giả: TrungDao viết theo lời kể của một đạo huynh.
Bài đăng trên blog Huyền Môn có sữa vài lỗi sai sót trong câu văn.
*******************************************************************************************************
Ngoại tôi có người em trai thứ năm, lấy vợ người Hoa gốc Triều Châu, người Việt mình hay gọi là người Tiều.
Hồi nhỏ mỗi khi đến nhà ông, bà, chạy chơi các nơi xong, tôi thường vào ngồi nghe mẹ tôi và bà nói chuyện. Những câu chuyện xoay quanh việc buôn bán, gia đình, giỗ quải trong họ, cách làm bánh, mức, và chuyện về quê hương mù xa của bà bên Tàu, về chiến tranh, đói khổ, phong tục, tập quán, truyền thuyết…
Có lần bà kể chuyện học bùa chú bên Tàu:
Hồi đó bên Tàu học bùa chú, làm thầy khó lắm.. Mới vô, căn bản phải học khâu. Trước học thuộc chữ bùa rắc rối như mạng nhện. Rồi suốt ngày rảnh lúc nào là ngồi tịnh tâm, dùng tay vẽ lại chữ bùa trong khoảng không trước mặt. Ai mau thì ba tháng, thường thì phải một năm mới rành rẽ. Xong phần khâu mới được học tiếp mấy phần khác.
Phép nầy để bắt phi tiêu, phòng thân khi những người học bùa phóng phi tiêu, ám khí thử mình, hoặc hại mình.
Khi tâm máy động, biết có người từ xa lén phóng ám khí, hoặc nghe tiếng phi tiêu tới gần, phải kịp thời vẽ xong chữ bùa trước mặt, phi tiêu đến sẽ ghim vào chữ bùa, như kim ghim vào vải, nên gọi là khâu. Nếu lúc đó người thường nhìn vào sẽ thấy phi tiêu đứng im trong khoảng không. Người bị phóng chỉ việc bắt phi tiêu là xong.
Chuyện như huyền thoại, tuổi thơ vô tư, nghe rồi để trong ký ức.
Mấy năm sau tiếp cận với huyền môn, tôi hay theo một vị thầy, sau này là thầy tôi, coi trục tà, chữa bịnh, điểm đạo, vô thần quyền cho học trò, sau này là những huynh trưởng của tôi.
Rồi lần mò coi mấy huynh luyện quyền, luyện phép… coi vô tư, chỉ thấy đã mắt, lâu lâu chợt thấy thèm được như mấy huynh.
Chưa bao giờ tôi có ý so sánh cách học của mấy huynh với cách học của người Tàu, bà tôi kể năm nào. Cũng chưa bao giờ tôi thắc mắc, hỏi thầy về phép khâu. Tuổi thơ vô tư vậy đó.
Cuộc đời như dòng sông trôi, rời bến bờ bình yên, qua những khúc quanh, nhánh rẽ, đến cửa sông rộng nước xoáy, sóng lớn, rồi đỗ ra biển cả mênh mông… Hơn hai mươi năm sau tôi mới có dịp về ngồi lại bên thầy.
Lúc chuẩn bị đồ cúng tổ, để cấp phép cho tôi, thầy lấy một dĩa nhỏ trên bàn thờ tổ xuống.
Dĩa nhỏ nhưng đựng được nhiều món, nhờ xếp gọn gàng theo tầng lớp, thứ tự.
Dưới cùng là trầu cau, thuốc lá cúng tổ, các món khác được xếp chồng lên trầu cau, thuốc thành nhiều tầng. Trong các món đồ, có con dao nhỏ, bề dài khoảng 8 cm, bề ngang khoảng 2 cm, hình dáng như thanh đao, tiện khắc tinh vi, thủ công sắc xảo, nhìn rất đẹp mắt.
Thầy tôi chậm rãi têm chầu, rồi nhìn quanh tìm dao bổ cao. Tôi cầm thanh đao nhỏ đưa thầy. thầy tôi mĩm cười nói:
-Dao đó nhỏ chút, bửa cau đâu được. Tui có con dao nhíp để dành bửa cau. Chắc còn trên bàn tổ, bây tới coi, có lấy xuống dùm tui.
Tôi lấy dao xong hỏi:
-Ủa vậy con dao nhỏ này dùng làm phép gì thầy?
-Phép gì đâu, tui để chơi vậy thôi. Hồi đó người ta thử nghề, phóng tui bắt được đó.
Tâm cơ tôi chợt máy động, buột miệng phát ra hai tiếng:
-Phi đao?
-Ừ, người ta dùng phép phóng phi đao đó.
-Rồi làm sao bắt được thầy?
-Phi đao gần tới có luồng âm thanh, nghe biết chớ. Phải lẹ tay vẽ bùa tom nó lại rồi mới thâu được. Mà người này lực phóng cũng dữ dằn nhe, tui vẽ xong chữ bùa, con dao này ghim vô vẫn còn sức muốn gượng sôm tới, tui phải gặt nó xuống, ghim vô cạnh tủ thờ mới thâu được đó. Hồi đó tui có cái tủ thờ nhỏ, hổng phải cái lớn dưới phòng khách bây giờ…
-Phải cái tủ thờ thầy để chỗ bộ ghế sa long bây giờ hông?
-Ừ, đó, cái tủ nhỏ đó. Thằng nhớ dai dữ. Bây coi cái tủ cẩm lai, vậy mà cây dao này ghim vô tới nữa cây luôn, tui phải lấy kềm nhổ ra đó.
-Chèn ơi, dữ vậy, nếu hổng bắt được, nó ghim tới, da thịt nào chịu nỗi. Vậy rồi biết ai phóng không thầy?
-Biết chớ, cũng người quen không. Nó trẻ hơn tui mà giỏi nhe. Sau gặp nó tui hỏi, giờ bây muốn tui trả dao lại, hay để tui giử giùm bây. Nó cười cầu hòa, nói thôi anh giử giùm tôi đi. Tui mới nói với nó, vậy cám ơn nhe, cho thì tui giử làm kỹ niệm hé. Rồi tui để giành chơi cho tới bây giờ đó chớ.
Tôi ngờ ngợ hỏi thêm:
-Vậy lúc người ta làm phép phóng dao bay đi, dọc đường có ai thấy không thầy?
-Í, đâu thầy được nè. Lúc ở nhà người phóng thì là con dao này, có hình ai cũng thấy, nhưng lúc dùng phép phóng ra thì mất hình, chỉ tới gần mình là người bị phóng mới hiện ra hình. Trên đường nó bay, người thường đâu nghe thấy gì.
-Thử nghề vậy, lỡ ai non tay, bắt không được, chết sao thầy?
-Nói vậy chớ người ta muốn thử nghề, cũng nhắm chừng mình đỡ nỗi mới làm, chớ có thù oán, xích mích gì với nhau đâu mà cố sát. Bây chưa biết đâu, chừng học lên cao, càng thông linh, càng sợ. Quả báo trước mắt nhe. Làm sai một cái, kết quả xấu tới liền. Mà nặng nhứt là lỡ tay làm chết một người hiền rồi, tu luyện thiên thu cũng không thành đạo. Bây coi, phép phóng dao nầy thấy dữ dằn vậy chứ cũng chưa ghê đâu. Còn một món nữa ghê hơn nhiều, giỏi mà không biết cách bắt cũng chết, mà chết chùm, chết lây tới mấy người trong nhà nữa đó.
-Phép gì mà ghê dữ vậy thầy?
-Cái phép đó là… mà thôi, bây chuẩn bị đi, để tui cúng rồi vô phép cho bây cho rồi!
Chuyện nghe lúc tuổi thơ, tưởng như huyền thoại, không ngờ gần 30 năm sau tôi được biết là có thật qua vật chứng là con dao kia, và nhân chứng sống là thầy tôi ngồi đó…
Bà tôi đã mất mấy năm rồi. Thấy tôi rồi cũng có ngày sẽ về với thầy tổ. Và tôi vẫn chưa học được phép khâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét